Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Ngày 30/9, Diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023. Chương trình do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang chuyển nhanh sang kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp..., trong đó kinh tế số là trọng tâm.
Quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin (tin học hóa) sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội lớn. Đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta coi phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo. Theo đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít những doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm, công nghệ về", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, chuyển đổi số và chuyển xanh là một sự kết hợp tối ưu vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu.
"Chuyển đổi xanh là mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, để làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường", GS.TS Nguyễn Văn Phước khẳng định.
Theo đó, các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Về chuyển dịch năng lượng, theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Việt Nam cần ba giai đoạn. Đầu tiên là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, thứ hai là sử dụng năng lượng tái tạo, thứ ba là năng lượng sinh học. Hiện nay, tỉ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định.
Về chuyển đổi công nghiệp xanh, theo quy hoạch, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 khu này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm...
Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao...
Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: Kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái.
Đối với nông nghiệp bền vững, Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...
GS.TS Nguyễn Văn Phước cũng nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
"Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050", GS.TS Nguyễn Văn Phước nói.
Đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Tại sự kiện, các đại biểu trong và ngoài nước đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững. Đại diện doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như: Rạng Đông, VNPT, 1Office, Base, SIEMENS Việt Nam...cũng chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp.
nguồn: Hoàng Giang/baochinhphu.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?