Nội dung quản lý nhà nước về đất đai
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra những yêu cầu to lớn đối với công tác quản lý nhà nước về mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó quản lý nhà nước về đất đai là một nội dung quan trọng nghiên cứu các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sống và sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
1. Quản lý nhà nước là gì?
Quản lý nhà nước là hoạt động của nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước
Quản lý nhà nước có một số đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, quản lý nhà nước được thực hiện dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước. Điều này có nghĩa là hoạt động quản lý nhà nước do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhân danh quyền lực nhà nước nhằm thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước
Thứ hai, chủ thể của quản lý nhà nước là các tổ chức hay cá nhân mang quyền lực nhà nước trong quá trình tác động tới đối tượng quản lý. Chủ thể quản lý nhà nước bao gồm: Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được nhà nước ủy quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ ba, khách thể của quản lý nhà nước là trật tự quản lý nhà nước, trật tự quản lý nhà nước do pháp luật quy định
Thứ tư, pháp luật là phương tiện chủ yếu để quản lý nhà nước. Bằng pháp luật, nhà nước có thể trao quyền cho các tổ chức xã hội hoặc các cá nhân để họ thay mặt nhà nước tiến hành hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ năm, quản lý nhà nước được giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và được phân biệt với quản lý mang tính chất nội bộ một tổ chức xã hội, đoàn thể, đơn vị, xí nghiệp, một cộng đồng dân cư mang tính tự quản.
2. Nội dung quản lý nhà nước về đất đai
Quản lý nhà nước đối với đất đai là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện trên thực tế các chính sách của nhà nước về lĩnh vực đất đai. Đây là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc nắm chắc tình hình sử dụng đất đai, phân phối và phân phối lại theo quy hoạch, kế hoạch, trong việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất đai với mục đích sử dụng nguồn tài nguyên đất đai hiệu quả, tiết kiệm.
Nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy định rõ tại Điều 22 Luật Đất đai 2013 như sau:
Điều 22 Luật Đất đai 2013 đã nêu ra 15 nội dung quản lý về đất đai để bảo vệ và thực hiện các quyền của nhà nước trong lĩnh vực này, tập trung vào 4 nội dung chính:
– Nhà nước nắm chắc tình hình đất đai, biết rõ các thông tin về số lượng, chất lượng, tình hình, hiện trạng của việc quản lý và sử dụng đất đai.
– Nhà nước thực hiện việc phân phối và phân phối lại đất đai theo quy hoạch và kế hoạch chung thống nhất. Nhà nước chiếm hữu toàn bộ quỹ đất đai, nhưng lại không trực tiếp sử dụng mà giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng. Trong quá trình phát triển của đất nước, ở từng giai đoạn cụ thể, nhu cầu sử dụng đất đai của các ngành, các cơ quan, tổ chức cũng khác nhau. Nhà nước với vai trò chủ quản lý đất đai thực hiện phân phối đất đai cho các chủ sử dụng; theo quá trình phát triển của xã hội, Nhà nước còn thực hiện phân phối lại quỹ đất đai cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Để thực hiện việc phân phối và phân phối lại đất đai, Nhà nước đã thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng đất giữa các chủ thể khác nhau, thực hiện việc điều chỉnh giữa các loại đất, giữa các vùng kinh tế. Hơn nữa, Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất và thu hồi đất. Vì vậy, Nhà nước quy hoạch và kế hoạch hoá việc sử dụng đất đai. Đồng thời, Nhà nước còn quản lý việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; quản lý việc chuyển quyền sử dụng đất; quản lý việc lập quy hoạch, kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
– Nhà nước thường xuyên thanh tra, kiểm tra chế độ quản lý và sử dụng đất đai. Hoạt động phân phối và sử dụng đất do các cơ quan nhà nước và do người sử dụng cụ thể thực hiện. Để việc phân phối và sử dụng được phù hợp với yêu cầu và lợi ích của Nhà nước, Nhà nước tiến hành kiểm tra giám sát quá trình phân phối và sử dụng đất Trong khi kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện các vi phạm và bất cập trong phân phối và sử dụng, Nhà nước sẽ xử lý và giải quyết các vi phạm, bất cập đó.
– Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai. Hoạt động này được thực hiện thông qua các chính sách tài chính về đất đai như: thu tiền sử dụng đất (có thể dưới dạng tiền giao đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, có thể dưới dạng tiền thuê đất, có thể dưới dạng tiền chuyển mục đích sử dụng đất), thu các loại thuế liên quan đến việc sử dụng đất (như thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập cao có được từ việc chuyển quyền sử dụng đất…) nhằm điều tiết các nguồn lợi hoặc phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
3. Nhà nước quản lý đất đai bằng những công cụ nào?
Hiện nay, đất đai là một trong những vấn đề dễ nảy sinh mâu thuẫn nhất bởi đất đai gắn chặt với lợi ích vật chất và tinh thần của mọi chủ thể sử dụng đất. Có những mâu thuẫn phải dùng đến pháp luật mới có thể xử lý được. Quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó pháp luật là công cụ quan trọng nhất.
Trong quá trình sử dụng đất đai, người sử dụng đất có nghĩa vụ phải nộp thuế và các khoản tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải lúc nào nghĩa vụ đó cũng được thực hiện một cách đầy đủ, có nhiều trường hợp phải dùng biện pháp cưỡng chế và bắt buộc thực hiện. Ngoài ra, pháp luật là công cụ mà qua đó Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người sử dụng đất. Pháp luật đề ra các chính sách hỗ trợ, chế tài xử phạt,… cho phép Nhà nước thực hiện được sự bình đẳng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích trong lĩnh vực đất đai giữa những người sử dụng đất.
Cùng với pháp luật, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lý đất đai. Theo Điều 21 Luật Đất đai 2013, Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, thông qua quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, việc sử dụng các loại đất được bố trí, sắp xếp một cách tiết kiệm và hiệu quả, giúp Nhà nước kiểm soát được mọi diễn biến về tình hình đất đai, từ đó ngăn chặn được việc sử dụng đất sai mục đích, lãng phí. Đồng thời, thông qua quy hoạch, kế hoạch buộc các đối tượng sử dụng đất chỉ được phép sử dụng trong phạm vi ranh giới của mình.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?