Ngày 06 tháng 9 năm 2024, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN huyện đã ban hành Công điện số 26/CĐ- BCH về tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 03. Điện: Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện; Các phòng, ban, đoàn thể huyện; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các xã, thị trấn.
Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, hồi 04 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 620km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184- 201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h. Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km/h , đi vào Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13- 14, giật cấp 17. Đến 16 giờ ngày 07/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km/h, suy yếu dần. Sức gió Cấp 8, giật cấp 11.
Thực hiện Công điện số 21/CĐ-BCH ngày 05/9/2024 của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình; Văn bản số 2439/SNN-NVTH ngày 05/9/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ứng phó với bão số 03
Để chủ động ứng phó với bão số 03, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các phòng, ban, đoàn thể huyện; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn khẩn trương tập trung triển khai các nội dung sau:
1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các xã, thị trấn:
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh.
- Tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
- Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ.
- Rà soát, tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn. Tăng cường theo dõi diễn biến cơn bão, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập. Kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ.
- Phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện khẩn trương triển khai ngay phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa, thủy sản.
- Chỉ đạo báo cáo nhanh tình hình khắc phục, khôi phục, thiệt hại, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
- Xây dựng các phương án khắc phục, khôi phục sản xuất sau bão.
- Tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, tháo dỡ băng rôn tuyên truyền, quảng cáo; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.
- Rà soát, kiểm tra các điểm bị ngập úng cục bộ trên địa bàn trong đợt mưa lớn trung tuần tháng 7 năm 2024. Khẩn trương có giải pháp đảm bảo tiêu thoát nước trong các điểm, khu dân cư, khi có mưa lớn xảy ra.
- Tăng cường công tác kiểm tra đê điều theo đúng quy định tại Luật Đê điều. Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
2. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện chủ động rà soát phương án huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo sẵn sàng ứng phó cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống đột xuất khi có yêu cầu.
3. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi nhánh Khai thác Công trình thủy lợi, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu.
4. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các HTX Nông nghiệp sẵn sàng phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa.
5. Điện lực Hoa Lư thực hiện tốt các phương án đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm hoạt động, sẵn sàng huy động mọi nguồn lực xử lý, khắc phục nhanh các sự cố (nếu có) để duy trì cấp điện theo phương án chống úng đã phê duyệt.
6. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang và triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn.
7. Trung tâm y tế huyện: phối hợp với các xã, thị trấn khi xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm…do bão, mưa, lũ gây ra.
8. Phòng Giáo dục huyện có phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên và an toàn trường, lớp học trong bão lũ.
9. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với mưa bão, sạt lở đất, ngập úng cục bộ; đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để các cấp, người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
10. Các phòng, ban, đoàn thể huyện theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
11. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã được phân công phụ trách các xã, thị trấn lập tức xuống địa được phân công để triển khai phương án chống Bão. Chủ động chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
12. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện.
Yêu cầu Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện tại công điện trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện về công tác chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 03./.
Nguồn: UBND huyện
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?