Một số các hoạt động, thi các trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024
Ngày 18/4, tức mùng 9/3 âm lịch, tại sân lễ hội Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, đã diễn ra nhiều hoạt động của Lễ hội Hoa Lư năm 2024, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến xem và cổ vũ.
Hội thi Thư pháp
Sáng 18/4, tại Từ Vũ, Đền thờ Vua Lê Đại Hành, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội thi Thư pháp.
Dự hội thi có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư; Thư viện tỉnh; lãnh đạo MTTQ các huyện, thành phố.
Tham dự hội thi Thư pháp có 46 thí sinh thuộc nhiều lứa tuổi, đối tượng, chức sắc tôn giáo. Thí sinh tham gia thi viết 3 phần: viết "Đại tự", viết bức "Hoành phi", viết câu đối. Thí sinh được chia làm 2 nhóm và tổ chức thi làm 2 đợt; làm bài thi và tính giờ theo hiệu lệnh trống.
Bài thi được đánh giá trên cơ sở chữ viết chuẩn, đẹp và bố cục hợp lý, đảm bảo thời gian theo quy định của Ban Tổ chức,
Qua 3 phần thi, các thí sinh đã thể hiện những hiểu biết, kiến thức, năng lực và kỹ năng của mình về nghệ thuật Thư pháp. Nhiều tác phẩm thư pháp đẹp, có chiều sâu, chứa đựng thông điệp và tài hoa của người viết, thể hiện tính mỹ thuật của chữ viết qua từng nét chữ, cách thức trình bày, hình dáng câu chữ; tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn người thưởng lãm.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức trao giải tập thể gồm 1 giải nhất cho Ủy ban MTTQ huyện Yên Mô, 1 giải nhì cho Ủy ban MTTQ huyện Yên Khánh, 1 giải ba cho Ủy ban MTTQ huyện Gia Viễn, 5 giải khuyến khích. Giải cá nhân gồm 1 giải nhất cho thí sinh Đinh Hồng Huy, xã Yên Phong, huyện Yên Mô; 2 giải nhì, 3 giải ba, 12 giải khuyến khích; 2 giải cho thí sinh lớn tuổi nhất và thí sinh nhỏ tuổi nhất.
Thông qua hội thi nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, văn hóa chữ viết đặc sắc của người Việt Nam, của con người và vùng đất Ninh Bình.
Đây là hoạt động kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và Lễ hội Hoa Lư năm 2024; chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Qua hội thi đã tạo điều kiện cho những người yêu thích nghệ thuật Thư pháp được thể hiện khả năng hiểu, đọc và viết chữ Thư pháp của mình. Phấn đấu đưa tỉnh Ninh Bình là một trong các tỉnh, thành phố có phong trào Thư pháp phát triển mạnh trong cả nước.
"Tung" hàng trăm voucher giảm giá cho du khách khi đến Ninh Bình
Từ 17-19/4, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Sở Du lịch tổ chức gian hàng trưng bày, quảng bá và xúc tiến du lịch Ninh Bình.
Gian hàng lần này thu hút sự tham gia của gần 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch gồm các nhà hàng, khách sạn, điểm đến trên địa bàn tỉnh.
Với diện tích 120m2, gian hàng được thiết kế khoa học, hấp dẫn. Để thuận tiện cho du khách và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, Ban tổ chức đã trưng bày hàng nghìn ấn phẩm với nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và bố trí máy tra cứu thông tin du lịch trực tuyến.
Đồng thời, phân công cán bộ trực tại gian hàng để giới thiệu đến du khách về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Ninh Bình. Đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm Di sản Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ninh Bình sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động hấp dẫn, đặc sắc để chào mừng sự kiện.
Cũng tại gian hàng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã tung ra khoảng 200 voucher giảm giá với nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá tour, giảm giá khách sạn, lưu trú dành cho du khách khi đến tham quan, sử dụng dịch vụ tại Ninh Bình.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, các giá trị ẩm thực của Ninh Bình đến đông đảo du khách và nhân dân.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, công ty lữ hành tìm kiếm đối tác, tăng cường hợp tác du lịch với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Gian hàng diễn ra đến ngày 19/4, tức ngày 11/3 âm lịch tại sân lễ hội Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Chương trình Giao lưu văn nghệ chào mừng Lễ hội Hoa Lư
Trong ngày thứ 2 của Lễ hội Hoa Lư và kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế, Chương trình Giao lưu văn nghệ quần chúng do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương quan tâm, thưởng thức.
Tham gia Chương trình có trên 200 diễn viên đến từ 8 huyện, thành phố và các câu lạc bộ văn nghệ, trung tâm nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Các tiết mục nghệ thuật có nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, sự trù phú của những miền quê nông thôn mới…
Với sự đầu tư, chuẩn bị và dàn dựng công phu từ trang phục, lối biểu diễn và nội dung tác phẩm, Chương trình Giao lưu nghệ thuật quần chúng đã thu hút và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với đông đảo du khách về tham quan, trẩy hội.
Qua chương trình cũng góp phần giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể, tài nguyên và các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Đây cũng là dịp để các hạt nhân văn nghệ quần chúng của các địa phương được giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm hay để phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong tỉnh.
Chương trình giao lưu văn nghệ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 19/4.
* Hội thi kéo chữ "Thái Bình"
Sáng 18/4, tại Sân lễ hội Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, đã diễn ra Hội thi kéo chữ "Thái Bình".
Hội thi mang đậm tính chất sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng. Đây là một trò diễn xướng dân gian. Trò diễn này không có tính ganh đua mà mang tính chất phô diễn những nét đẹp truyền thống của lịch sử, vừa thiêng liêng vừa có tính giải trí. Tham gia Hội thi kéo chữ "Thái Bình" năm nay có 5 đội tuyển đến từ các trường THCS của các xã: Ninh Khang, Ninh Giang, Ninh Thắng, Ninh Vân và Ninh An.
*Hội thi chèo thuyền
Tại sông Sào Khê, sự sôi nổi, hào hứng của Hội thi chèo thuyền cũng đã hấp dẫn du khách vào sáng 18/4. Hội thi năm nay thu hút sự tham gia của các thí sinh là những người lái thuyền du lịch ở xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải trên địa bàn huyện Hoa Lư.
Các đội thi trải qua các nội dung thi: phần chào hỏi; thi chèo thuyền nhanh bấm giờ; thi chèo thuyền khéo lấy bóng quy định giờ… Hội thi tạo nên sân chơi sôi động, phấn khởi, giúp các thí sinh có cơ hội phô diễn kỹ năng chèo thuyền khéo.
*Thi cờ người
Cờ người là một trong những trò chơi dân gian cuốn hút du khách khi về với Lễ hội Hoa Lư. Đây không đơn thuần là trò chơi giải trí mà còn là môn thể thao trí tuệ, tái hiện phần nào lịch sử hào hùng của dân tộc ta thời kỳ dựng nước và giữ nước. Các kỳ thủ đã thi đấu với tinh thần thể thao đoàn kết, cao thượng, đem đến sự hào hứng cho nhân dân và du khách về dự hội.
* Tổ tôm điếm
Tổ tôm điếm cũng là một thú chơi tao nhã của người Ninh Bình nói chung và của Lễ hội Hoa Lư nói riêng. Trong các ngày hội, người dân dựng các lều để ngồi chơi.
Với ngôn ngữ chủ yếu là bằng màu sắc các loại cờ hiệu và sử dụng giọng ngâm thơ của người giao bài, trống thay lời của người chơi, tổ tôm điếm đã trở thành một trò chơi dân gian được khôi phục và không thể thiếu tại Lễ hội Hoa Lư hàng năm.
Năm nay, Hội vui Tổ tôm điếm có 13 đội chơi đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh.
* Thi chọi gà
Các trận chọi gà tại Lễ hội Hoa Lư cũng thu hút đông đảo sự chú ý của người dân và du khách.
Hội thi chọi gà năm 2024 được Hội Nông dân tỉnh tổ chức, thu hút sự tham gia của Hội Nông dân 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn 2 cặp gà, trọng lượng từ 2,9-3kg, thi đấu các trận theo hạng cân. Có những trận đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà không phân biệt được thắng thua nhưng vẫn lôi cuốn người xem theo dõi trận đấu đến cùng.
Kết thúc hội thi, gà thắng cuộc cao nhất được Ban tổ chức tặng cờ Giải nhất đấu kê.
Các trò chơi dân gian được khôi phục, tổ chức tại Lễ hội nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Mỗi trò chơi dân gian mang ý nghĩa riêng, mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười và những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách thập phương. Qua đó góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đất Cố đô đến du khách, góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
* Thi đấu giải bóng chuyền Nam tại Lễ hội Hoa Lư
Trong thời gian từ 17-19/4, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Hoa Lư tổ chức Giải bóng chuyền nam Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Giải thu hút sự tham gia của 4 đội bóng của các xã: Ninh Giang, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Vân. Bốn đội bóng được chia làm 2 cặp đấu, chọn ra đội thắng mỗi cặp phân định vị trí nhất, nhì; hai đội thua ở mỗi cặp đấu với nhau phân đinh vị trí thứ 3 và thứ 4 của giải.
Bóng chuyền là môn thể thao yêu thích của người dân Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình hiện có 2 đội bóng chuyền nam và nữ đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp quốc gia.
Tại huyện Hoa Lư bóng chuyền cũng là môn thể thao được nhiều người dân yêu thích, lựa chọn tập luyện.
Việc tổ chức giải bóng chuyền tại Lễ hội Hoa Lư là hoạt động giúp người dân yêu thích thể thao có cơ hội thưởng thức những trận đấu hay, những pha bóng đẹp, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trong lễ hội.
Bóng chuyền là một trong chuỗi các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao tại Lễ hội hoa Lư năm 2024.
Giải là hoạt động của ngành Văn hóa -Thể thao huyện Hoa Lư thiết thực chào mừng kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024)
Nguồn: Báo Ninh Bình.
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?